Theo tính toán, để có công suất 36 nghìn MW vào năm 2020, các nhà máy nhiệt điện cần 67 triệu tấn than/năm, và để làm ra 75 nghìn MW công suất năm 2030, các nhà máy nhiệt điện cần tới 171 triệu tấn than/năm. Tổng lượng tro xỉ trung bình chiếm 25 đến 60% lượng than nhiên liệu, tùy thuộc vào chất lượng than và hiệu quả đốt cháy (công nghệ). Về nguyên tắc, tro xỉ có thể được sử dụng như phụ gia sản xuất xi-măng, sản xuất bê-tông, gạch không nung và các loại vật liệu xây dựng khác. Tuy nhiên, do trong tro xỉ còn chứa lượng lớn than chưa kịp cháy hoặc cháy chưa triệt để (than dư), có thể lên đến 20 đến 30%, cho nên để tái sử dụng tro xỉ, phải qua công đoạn tuyển để tách lượng than này ra, cần phải đầu tư thêm dây chuyền tuyển than từ tro xỉ. Hiện nay, công nghệ tuyển than dư từ tro xỉ chưa được phổ biến rộng rãi cho nên việc tái sử dụng tro xỉ rất hạn chế. Nước ta đang đối mặt với vấn đề môi trường từ việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Đó là đến năm 2030, phải quản lý các bãi chứa tro xỉ với diện tích hơn 28 nghìn ha (giả sử chiều sâu bãi chứa là 2 m), phân bố dọc theo chiều dài đất nước qua các trung tâm điện lực lớn từ miền bắc, miền trung đến đồng bằng sông Cửu Long.
Công ty Nhiệt điện Duyên Hải mới đi vào hoạt động được nửa năm nay, nhưng cũng giống các công ty nhiệt điện trên cả nước, vẫn chưa có phương án xử lý nguồn chất thải này. Trung tâm điện lực Duyên Hải quy hoạch tổng thể bốn nhà máy với tổng công suất khoảng 4.000 MW, trong đó đã đưa vào vận hành 1.245 MW. Theo tính toán, lượng tro xỉ thải ra khoảng 37%/tấn than nguyên liệu (đối với than trong nước) và khoảng 7% (đối với than nhập khẩu) cho nên mặc dù đã có khoảng 80 ha dành cho bãi thải của bốn nhà máy, nhưng cũng chỉ từ 2,5 đến 3,5 năm là quá tải. Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải Nguyễn Hữu Phiên cho biết, nhà máy được thiết kế theo công nghệ thải tro xỉ khô. Tro bay được thu gom trong nhà máy rồi đẩy ra bằng hệ thống đường ống nén khí đến các xi-lô gần bãi thải nên không gây bụi. Giải pháp trước mắt của công ty là vẫn nén chặt, chôn lấp trong bãi thải. Tuy nhiên, tro xỉ thải ra nếu không tiêu thụ được cho các doanh nghiệp mua làm vật liệu xây dựng (VLXD), chắc chắn sẽ ứ đọng. Sau 5 tháng hoạt động, bãi chứa xỉ đã ngang cốt nền của nhà máy.
Có thể thấy, vấn đề phát thải của các nhà máy nhiệt điện đã trở thành vấn đề bức xúc đối với tình trạng ô nhiễm môi trường, cũng như những hệ lụy khác. Việc giám sát của các bộ, ngành chức năng trước năm 2014 vẫn dừng ở mức độ thấp, chưa ráo riết. Do vậy, theo như dự báo, với 43 nhà máy, lượng tro xỉ thải ra rất lớn và để có thể chứa hết lượng phế thải đó, cần khoảng 600 nghìn ha, tức là sau bốn năm, trung bình sẽ mất diện tích của một xã.
Cần có chính sách mạnh mẽ
Vừa qua, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã ký hợp đồng với liên danh Công ty CP dịch vụ Kỹ thuật và thương mại Hoàng Quý - Công ty CP Việt Long mua một triệu tấn tro bay/năm nhằm cung cấp phụ gia cho các công ty sản xuất VLXD, Công ty Xi-măng Holcim mua 1.000 tấn tro bay làm clanh-ke,… Ngoài ra, công ty kiến nghị được dùng tro, xỉ để san lấp mặt bằng. Sau khi kiểm tra độ an toàn trong tro, xỉ, Tổng công ty Phát điện 1 cũng đề nghị tỉnh Trà Vinh xin phép sử dụng tro, xỉ của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải 1 để san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, nếu sử dụng xỉ để san lấp mặt bằng thì không có vấn đề gì, nhưng nếu dùng tro bay để san lấp (mà không có xi-măng kết dính) khi gặp mưa hoặc dưới bề mặt san lấp có mạch nước ngầm sẽ có nguy cơ gây sụt lún bề mặt.
Theo Vụ trưởng VLXD Lê Văn Tới, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23-9-2014 về một số giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc. Bộ Xây dựng cùng các đơn vị trực thuộc đã tập trung rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn, để xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đầy đủ, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn sử dụng tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần giải quyết tận gốc, quy trách nhiệm cụ thể của chủ đầu tư các nhà máy, bởi trước đây họ chỉ chú ý đến sản phẩm, trong khi chưa quan tâm đúng mức vấn đề xử lý phế thải. Mỗi nhà máy, cơ sở có một điều kiện riêng nhất định, nếu nhà máy gần đường giao thông, việc tiêu thụ tro, xỉ sẽ thuận lợi hơn. Chẳng hạn, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Ninh Bình do thuận lợi về giao thông, đã xử lý gần như không còn phế thải. Hoặc Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, tuy địa điểm ở xa nhưng ngay từ đầu đơn vị đã chủ động ký hợp đồng với các doanh nghiệp xử lý phế thải, cho nên tính đến thời điểm hiện tại, đã không còn phế thải. Với những nhà máy không tiện đường giao thông, lượng tro, xỉ sẽ ngày một đầy lên. Cái khó là nhiều chủ đầu tư vẫn chưa có hình thức thỏa đáng để thực hiện nghĩa vụ trong việc xử lý tro, xỉ, vì vậy thời gian tới, các cơ quan quản lý cần quy định tăng tính trách nhiệm, bắt buộc đối với các đơn vị đó, nếu không thực hiện được thì phải bỏ tiền ra thuê đơn vị khác xử lý.
Thời gian qua, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thu hút các đơn vị tham gia đầu tư nhà máy xử lý tro, xỉ thải, công suất đã đạt yêu cầu đề ra trong chiến lược phát triển sản xuất vật liệu xây không nung, tuy nhiên chính sách vẫn chưa đủ mạnh và hấp dẫn đối với các đơn vị. Viện trưởng VLXD Lương Đức Long cho rằng, doanh nghiệp đầu tư vào cần phải có lợi và có đầu ra hoặc ưu đãi về đất đai. Hiện nay, tuy đã xây dựng cơ chế chính sách, nhưng mới ở tầm vĩ mô, còn cụ thể, các nhà đầu tư chưa được hưởng lợi ích một cách thiết thực. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cần nghiên cứu, tập trung đưa ra công nghệ theo hướng giảm chi phí, giá thành hơn so với hiện nay. Tiếp tục phổ biến kiến thức, cách sử dụng tro bay cho nhà sản xuất, tuyên truyền tới người dân về tác dụng ưu việt của sản phẩm xây không nung để từng bước thay đổi thói quen sử dụng gạch nung truyền thống.
Tổng Giám đốc Công ty CP chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu Nguyễn Trung Nghĩa, một trong những công ty đi tiên phong trong việc xử lý nguồn tro, xỉ thải các nhà máy nhiệt điện chạy than cho biết, ngoài việc sản xuất gạch không nung, công ty đã ép tro, xỉ thành những khối lớn làm bê-tông lấn biển, đê chắn sóng,… thay cho đá hộc hiện nay. Tuy nhiên đến nay, công ty vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai, mở rộng quy mô và tiêu thụ sản phẩm. Các tổng công ty phát điện chưa mặn mà với phương án này mặc dù tại các nhà máy nhiệt điện, phương án xử lý vẫn chỉ đơn thuần là chôn lấp và phủ bạt, tưới nước. Tổng Giám đốc Nguyễn Trung Nghĩa cũng khuyến nghị, các cơ quan hữu quan cần thấy được tầm quan trọng về bảo vệ môi trường để có những giải pháp đồng bộ hỗ trợ đầu ra của sản phẩm từ tro, xỉ. Các nhà máy nhiệt điện cùng bắt tay hợp tác, giao lại một phần diện tích đất chôn lấp tro, xỉ cho doanh nghiệp xử lý, đồng thời trả chi phí xử lý tro, xỉ cho DN. Về phía Nhà nước, cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn và miễn lãi suất cho các dự án để cùng xử lý triệt để nguồn thải tro, xỉ, bảo vệ môi trường.
Theo Nhân dân điện tử