Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có đại diện khối cơ quan Nhà nước là ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng; ông Đinh Quang Khôi – Tổng thư ký Chương trình KC02; đại diện các Hội và Hiệp hội; đại diện của các Nhà máy xi măng thuộc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam; Công ty xi măng Nghi Sơn.
Về phía VIBM có PGS.TS Lê Trung Thành – Viện trưởng VIBM kiêm Chủ tịch Hiệp hội Bê tông Việt Nam, TS. Thái Duy Sâm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội VLXD Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học và nhóm thực hiện dự án cấp Nhà nước và những người quan tâm.
Hiện nay, ở nước ta nhu cầu sử dụng nguyên nhiên liệu cho sản xuất VLXD cũng như tiềm năng sử dụng các chất phế thải công nghiệp làm nguyên nhiên liệu thay thế trong sản xuất VLXD là rất lớn. Do vậy việc tăng cường sử dụng các chất phế thải công nghiệp làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất VLXD sẽ có ý nghĩa rất lớn cho việc tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và bảo vệ cảnh quan, bảo vệ môi trường...
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 452/QĐ-TTG ngày 12/4/2017 về đề án đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro xỉ thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và các công trình xây dựng. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 cần phải sử dụng khoảng 8 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện thay thế đất sét để sản xuất clanhke xi măng. Như vậy, việc tái sử dụng tro bay nhiệt điện làm nguyên liệu để sản xuất VLXD đã trở thành cấp bách của ngành sản xuất VLXD và ngành xây dựng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Lê Trung Thành cho biết VIBM là Viện nghiên cứu chuyên sâu về nhiều chủng loại VLXD như: xi măng, bê tông, vật liệu chịu lửa, gốm sứ, thủy tinh, vật liệu hữu cơ,… Trong thời gian vừa qua, các nhà nghiên cứu của VIBM đã tập trung nghiên cứu về lĩnh vực tro xỉ nhiệt điện, đây cũng là vấn đề bức thiết đặt ra của ngành Xây dựng. Chính Phủ cũng như Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu và đã giao nhiều nhiệm vụ nghiên cứu về tro, xỉ để VIBM thực hiện. Cho đến thời điểm này, VIBM luôn tự tin về kết quả nghiên cứu, đã và đang triển khai nhiều các hoạt động nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào thực tiễn.
Viện trưởng Lê Trung Thành cho biết, theo số liệu VIBM cập nhật cho đến thời điểm hiện nay trong nước có khoảng gần 30 nhà máy nhiệt điện đốt than. Hiện tại, tro, xỉ của các nhà máy đốt than phun được xử lý tương đối ổn, tuy nhiên, tro xỉ từ các nhà máy đốt than tầng sôi thì bị lẫn SO3 khá nhiều, khó xử lý. Lượng tro xỉ nhiệt điện tồn chứa và hàng năm thải ra khoảng gần 18 triệu tấn mỗi năm, tuy nhiên chúng ta xử lý ước tính chỉ được khoảng 30% khối lượng. Theo ước tính đến 2030 lượng tro, xỉ tồn dư khoảng trên 400 triệu tấn.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng cho biết: cùng với sự phát triển chung của đất nước, các ngành công nghiệp có sự phát triển rất mạnh mẽ trong hơn 7 năm qua, đồng thời cũng tạo ra nhiều chất thải công nghiệp gây tác động tiêu cực đến môi trường. Bộ Xây dựng cũng đã có chương trình về nghiên cứu sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm VLXD. Do vậy, ông mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu và các nhà máy đưa kết quả nghiên cứu vào thực thế, áp dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất VLXD nhằm góp phần tiêu thụ phế thải, giảm ô nhiễm môi trường.
Tại Hội thảo, các diễn giả thuyết trình về các chủ đề như: Tăng cường sử dụng chất thải làm nguyên, nhiên liệu trong sản xuất VLXD; Lựa chọn và sử dụng tro bay thay thế sét trong sản xuất clanhke - những điểm cần lưu ý; Nghiên cứu tro bay thay thế sét để sản xuất clanhke xi măng và những vấn đề kỹ thuật cần giải quyết; Những điểm cần lưu ý khi vận hành hệ thống lò nung clanhke xi măng với bột liệu có chứa tro bay; Nghiên cứu sử dụng tro bay nhiệt điện Vĩnh Tân và cát đỏ Bình Thuận làm móng mặt đường giao thông nông thôn; Sử dụng tro xỉ chế tạo bê tông bền nước biển…
Theo TS. Thái Duy Sâm, nhu cầu sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất VLXD ở nước ta rất lớn và ngày càng tăng theo sự phát triển cùa ngành VLXD; Tiềm năng sử dụng các chất thải, phế thải công nghiệp làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế cho sản xuất VLXD ở nước ta khá lớn và rất đa dạng; Do nhiều nguyên nhân, hiện nay việc sử dụng các chất thải, phế thải công nghiệp làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế cho sản xuất VLXD chưa xứng với tiềm năng và chưa đạt như mong muốn; Việc tăng cường sử dụng các chất thải, phế thải công nghiệp làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế trong sản xuất VLXD sẽ có ý nghĩa rất lớn về tiết kiệm tài nguyên khoáng sản không tái tạo và bảo vệ cảnh quan, môi trường; Để việc sử dụng các chất thải, phế thải công nghiệp làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế cho sản xuất VLXD xứng với tiềm năng và đạt như mong muốn cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về: cơ chế chính sách, khoa học công nghệ, kỹ thuật, truyền thông và đào tạo.
Sau khi nghe các diễn giả thuyết trình, các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện các chủ đề khoa học nêu trên.
VIBM luôn đánh giá cao những đóng góp của các nhà khoa học, công tác nghiên cứu khoa học là không có điểm dừng, vì vậy rất mong các nhà khoa học, các bộ, ngành liên quan tiếp tục đồng hành cùng VIBM nghiên cứu, ứng dụng phát triển ngành VLXD nói riêng và ngành Xây dựng nói chung. Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
PGS.TS Lê Trung Thành – Viện trưởng VIBM kiêm Chủ tịch Hiệp hội Bê tông Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo